Mứt gừng là món ăn ngày Tết được nhiều người yêu thích đặc biệt là người trung tuổi và người già bởi vì gừng rất tốt cho sức khỏe. Gừng có tác dụng giải độc, chống đầy trướng bụng, chống đau bụng do ăn uống không điều độ, chống nôn mửa; dùng trong phòng bệnh viêm đường hô hấp (viêm họng, ho mất tiếng). Lúc này, những miếng mứt gừng chắc chắn sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều. Vì vậy, mình sẽ giới thiệu đến các bạn 3 cách làm mứt gừng đón Tết.
Nội dung chính
Cách làm mứt gừng lát truyền thống
Nguyên liệu:
- Gừng tươi: 1kg
Khi chọn gừng tươi dùng để làm mứt nên chọn gừng bánh tẻ (không quá non, không quá già). Bởi nếu gừng quá non khi làm mứt không có độ săn và đậm đà, còn nếu gừng quá già có quá nhiều xơ, vị cay nồng khó ăn hơn.
- Chanh tươi: 1 quả
- Đường trắng: 500gr
- Muối: 1 thìa to
Quá trình thực hiện:
- Bước 1: Làm sạch vỏ và thái gừng
Rửa sạch gừng tươi, loại bỏ hết lớp đất còn dính vào lớp vỏ của củ gừng. Sau đó, dùng dao hoặc thìa cạo sạch lớp vỏ bên ngoài và cắt thành lát. Chú ý rằng cắt lát vừa, không mỏng cũng không dày quá.
Pha 1 thìa muối vào thau nước và cho các lát gừng vào ngâm. Sau khoảng 20 – 30 phút đổ gừng ra rổ, rửa lại nhiều lần bằng nước sạch.
- Bước 2: Luộc gừng
Đun sôi một nồi nước to, đổ gừng đã thái lát vào nồi, rồi vắt một quả chanh vào trong lúc luộc để giúp giảm bớt mùi vị nồng và cay của gừng, giúp gừng thêm vàng hơn. Bạn đợi cho gừng sôi thêm khoảng 5 phút rồi tắt bếp, chắt nước, vớt gừng ra rổ và rửa sạch gừng qua nước lạnh nhiều lần. Sau đó tiếp tục luộc gừng tương tự thêm từ 2 – 3 lần nữa. (chỉ vắt chanh vào lần luộc gừng đầu tiên)
- Bước 3: ướp gừng với đường trắng theo tỉ lệ 2:1 (tức là, cứ 1kg gừng tươi sẽ được ướp với 0,5kg đường trắng). Tuy nhiên tùy theo khẩu vị mà bạn có thể thêm hoặc bớt lượng đường. Đảo hoặc xóc đều cho gừng và đường ngấm vào nhau và để tầm 30 – 50 phút cho ngấm đều hơn và đường tan bớt.
- Bước 4: Sên mứt gừng
Đây là bước quan trọng nhất đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo. Cho chảo chống dính lên bếp, để chảo khô nước mới đổ gừng đã tẩm ướp vào chảo. Khi thấy gừng sôi thì vặn lửa cho nhỏ nhất và đảo đều tay. Khi thấy đường trắng bắt đầu kết tinh bám vào gừng thì nhanh tay tắt bếp và đảo thêm khoảng 5 phút.
Để bảo quản mứt gừng lâu thì khi để mứt gừng nguội hẳn bạn nên cho mứt gừng vào lọ thủy tinh hoặc túi nilon và đậy kín lại để tránh tiếp xúc với không khí là có thể sử dụng mứt gừng trong một thời gian dài.
Cách làm mứt gừng dẻo
Nguyên liệu:
- Gừng: 1 kg
- Chanh: 5 quả
- Dứa: 1 quả
- Đu đủ xanh: 500gr
- Đường: 600gr (nếu muốn ngọt hơn thì cho thêm)
Quá trình thực hiện:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:
Gừng rửa sạch, gọt hoặc cạo vỏ sau đó cắt thành sợi dài. Sau đó, cho gừng vào 1 cái tô lớn, vắt vào nước cốt 2 quả chanh, ngâm trong khoảng 30 – 40 phút.
Đu đủ xanh rửa sạch, gọt vỏ, cắt hoặc nạo thành sợi dài. Cho nước và chút muối vào nồi đun sôi, cho đu đủ nạo sợi vào chần qua trong khoảng 3 phút. Sau đó, vớt đu đủ ra để ráo nước.
Dứa gọt vỏ rồi cắt miếng nhỏ, cho cùng chút nước vào máy xay sinh tố xay nhỏ
- Bước 2: Sau khi ngâm gừng, đổ gừng ra rổ, xả lại với nước sạch. Đun sôi 1 nồi nước, đổ thêm nước cốt 1 quả chanh vào nồi và chần sơ qua trong khoảng 2 – 3 phút, vớt ra và để ráo nước.
Tiếp theo, trộn đều gừng, đu đủ xanh và dứa trong một tô lớn.
Cân hỗn hợp gừng vừa trộn lên, cứ 1 kg tương đương với 600 gr đường. Cho đường vào hỗn hợp, trộn đều và ướp ít nhất 4 – 5 tiếng hoặc nhiều hơn để đường tan hết (tùy theo nhiệt độ thời tiết)
- Bước 3: Sên mứt gừng:
Cho hỗn hợp gừng, đu đủ vào chảo chống dính bắc lên bếp và sên ở lửa lớn đến khi nước gần cạn, thì vặn lửa nhỏ xuống, đảo đều tay.
Khi đường bắt đầu keo lại, bạn đổ thêm nước cốt 2 quả chanh vào đảo đều. Sau đó, đảo mứt đến khi sợi mứt trong, dẻo và sờ hơi dính tay là được.
Mứt gừng dẻo khác so với mứt gừng lát truyền thống. Với một chút cay cay, dẻo hòa quyện cùng vị chua của dứa lại không quá ngọt, hứa hẹn là một món mứt được nhiều thành viên trong gia đình bạn đón nhận.
Cách làm mứt gừng đỏ
Nguyên liệu:
- Gừng: 1 kg
- Củ dền: 200 gr (củ dền tạo màu, nên chọn loại củ có lá màu xanh đậm, đường vân mỏng. Phần vỏ củ chắc và trơn, không mềm ủng.)
- Chanh: 2 quả
- Đường trắng: 500 gr
- Muối: 1 muỗng canh
Quá trình thực hiện:
- Bước 1: Sơ chế gừng
Gừng sau khi mua về cạo vỏ, thái lát và ngâm ngay vào nước pha với nước cốt 1 quả chanh. Cách làm này giúp gừng giữ được màu tự nhiên, không bị thâm. Sau đó vớt gừng ra rửa với nước lạnh để giảm bớt vị cay nồng của gừng.
Cho nồi lớn lên bếp với lượng nước vừa đủ có hòa lẫn nước cốt 1 quả chanh. Khi nước sôi, thêm gừng vào luộc trong 10 phút với lửa trung bình. Lặp lại từ 2 đến 3 lần nước tương tự nữa sau đó vớt hẳn gừng ra, để gừng nghỉ. (lưu ý: chỉ dùng nước cốt chanh cho lần lần luộc đầu tiên)
- Bước 2: Sơ chế củ dền
Củ dền gọt vỏ, rửa sạch và cắt thành sợi dài. Ngâm phần sợi củ rền trong nước muối lạnh khoảng 10 phút sau đó vớt ra để ráo.
- Bước 3: Ướp màu gừng
Cho phần củ dền sợi vào 100ml nước đun sôi. Khi nước bớt nóng, cho vào máy xay sinh toosxay nhuyễn, dùng rây lọc chắt lấy nước màu ướp gừng.
Trộn gừng với nước màu củ dền cho thấm đều, thêm đường và tiếp tục trộn ướp trong 30 phút. Cuối cùng dùng màng bọc thực phẩm bảo quản gừng trong ngăn mát tủ lạnh ướp qua đêm.
- Bước 4: Sên mứt gừng
Chắt phần nước gừng đã ướp, cho lên chảo chống dính nấu sôi ở lửa lớn. Khi nước sôi, hạ lửa nhỏ và nấu với gừng trong khoảng 10 – 15 phút. Cách 5 phút tiến hành đảo chảo 1 lần cho tới khi nước mứt sánh lại như kẹo. Gừng bắt đầu trở nên trong và có một lớp đường bao quanh thì tắt bếp, sau khi tắt bếp vẫn đảo gừng trong khoảng 5 phút.
Một số lưu ý khi làm mứt gừng:
- Đường: lượng đường không đủ sẽ không kết tinh. Tỉ lệ gừng và đường là 1:1 (đây là tỉ lệ chuẩn khi gừng đã gọt vỏ).
- Chảo: Khi sên mứt gừng bạn phải dùng chảo có đế dày và chống dính, nếu loại quá mỏng nước chưa kịp bay hơi, đường chưa kịp kết tinh, thì món mứt gừng đã bị cháy.
- Bảo quản mứt gừng: cho mứt gừng đã nguội hẳn vào hộp thủy tinh hoặc túi nilong buộc chặt, đặt ở nơi khô ráo hoặc ở ngăn mát tủ lạnh. Dùng tới đâu sẽ lấy ra tới đó, lưu ý mứt dùng dư không nên cho ngược lại vào hộp
- Mứt gừng có vị ấm, không chỉ ngon mà còn có tác dụng đốt cháy bớt lượng mỡ thừa trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều, bạn sẽ dễ bị khô miệng, nóng nhiệt, vì thế bạn chỉ nên ăn khoảng 10-15 gram mứt gừng/ngày!
Mứt gừng nhà làm vừa an toàn, hợp vệ sinh mà lại thơm ngon. Bạn có thể làm và bỏ vào lọ kín để ăn dần hoặc làm quà biếu cho người thân, bạn bè cũng rất thích hợp trong những ngày giáp Tết. Với các nguyên liệu dễ tìm và 3 cách làm mứt gừng đón Tết đơn giản như trên, hi vọng các bạn sẽ thực hiện thành công!