Bánh trôi bây giờ dường như đã trở thành một món ăn truyền thống của người Việt Nam, không chỉ Tết hàn thực mà bất kỳ lúc nào muốn bạn cũng cũng có thể làm những đĩa bánh trôi để thắp hương cúng tổ tiên hay để cả gia đình thưởng thức bởi nguyên liệu và cách làm vô cùng đơn giản. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu đến các bạn một số cách làm bánh trôi thơm ngon, mềm dẻo; các bạn có thể tự mình thực hiện tại nhà thay vì đi mua ngoài hàng.
Nội dung chính
Cách làm bánh trôi kiểu miền Bắc
Nguyên liệu làm bánh trôi kiểu miền Bắc
- Bột gạo nếp
- Bột gạo tẻ
- Dừa nạo
- Đường phèn
- Vừng trắng
- Muối
Quá trình thực hiện
- Bước 1: Thực hiện trộn bột theo tỉ lệ: 1:4 (tức là 1 phần gạo tẻ với 4 phần gạo nếp) cùng 1 ít muối (tùy từng khẩu phần ăn mà bạn có thể sử dụng khối lượng nhiều hay ít)
Thêm nước từ từ vào hỗn hợp trên rồi nhào bột cho đến khi thành khối bột dẻo, có độ đàn hồi vừa phải, không rơi vụn, không dính tay là đạt.
Sau khi bột thành khối, bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc bột lại ủ trong khoảng 30 phút. Chú ý:
+ Xay gạo ướt sẽ cho chất lượng bánh ngon nhất nhưng thường mất nhiều thời gian, nên tốt nhất, bạn nên xay và dùng gạo khô hoặc sử dụng các loại bột có bán trong siêu thị
+ Hoặc để tiết kiệm thời gian hơn nữa thì bạn có thể mua bột nặn sẵn để làm bánh trôi.
- Bước 2: Cắt nhỏ phên đường thành nhiều miếng hình vuông hạt lựu, hoặc hiện nay bạn có thể mua sẵn ở một số cửa hàng đồ khô. Tùy theo kích cỡ bạn nặn bánh to nhỏ mà có thể cắt đường to nhỏ hơn, miễn sao vừa với viên bột nhé.
- Bước 3: Rang vừng (mè) trắng vừa vàng tới thì tắt bếp, rang tiếp cho tới khi vừng ngả vàng thì đổ ra đĩa, dàn mỏng ra. Cùi dừa đem bào thành sợi nhỏ.
- Bước 4: Tiếp theo, lấy khối bột ra khỏi âu chia thành từng cục bột nhỏ, đều nhau (chú ý không nên vần bột nhiều sẽ khiến bánh dễ bị nát khi luộc). Có thể dùng cán để cán bột hoặc dùng tay dàn bột ra, rồi đặt viên đường vào giữa sau đó vê kín bột lại thành viên tròn đều. Tuy nhiên, nên dàn bột bằng tay để bột giữ được độ ẩm.
- Bước 5: Chuẩn bị 1 nồi nước đun sôi (ước lượng sao cho đủ với số bột của bạn, sao cho khi bánh vào thì ngập nước) và một bát nước lạnh để tráng bánh. Khi thấy nước sôi thì cho bánh trôi từ từ vào, đun với lửa nhỏ để bánh được chín đều và đường trong nhân tan hết. Khi bánh nổi lên bề mặt và vỏ bánh trong là bánh đã chín, để khoảng 15 giây là có thể vớt ra, chú ý không để quá lâu bánh sẽ chìm xuống và nát bánh.
- Bước 6: Dùng muôi thủng vớt bánh ra, cho ngay vào bát nước lạnh đã chuẩn bị để bánh định hình và không dính nhau. Khoảng 2 – 3 phút là bánh sẽ nguội hẳn, thì dùng muôi thủng vớt ra cho lên đĩa rồi rắc vừng rang và dừa nạo lên trên là hoàn thành. Phần nước luộc bánh bạn có thể cho thêm đường phên vào, đập dập một ít gừng dùng để chan lên bánh trôi ăn cũng rất ngon.
Cách làm bánh trôi kiểu miền Nam
Bánh trôi nước kiểu miền Nam thì ở miền Bắc hay được gọi là bánh chay nhân đậu xanh.
Nguyên liệu làm bánh trôi kiểu miền Nam
- Bột nếp: 300 gr
- Đậu xanh không vỏ: 300 gr
- Bột năng: 150 gr
- Tinh dầu hoa bưởi: 10 gr
- Vừng trắng (rang chín): 10 gr
- Đường trắng: 250 gr
- Dừa nạo
- Lá dứa
- Gừng
Quá trình thực hiện:
- Bước 1: Làm nhân bánh trôi
+ Đậu xanh vo sạch rồi ngâm nước 3 – 4 tiếng hoặc ngâm qua đêm cho hạt đậu nở mềm,sau đó đổ đậu xanh ra rổ rửa lại cho sạch. Tiếp theo cho đậu xanh vào xửng và đem hấp tới khi hạt đậu chín mềm là đạt. Chú ý: có thể dùng đậu xanh còn vỏ. Ngâm nở đậu xanh, đãi sạch vỏ và hấp đến khi đậu mềm.
+ Múc một ít đậu vừa hấp chín để riêng ra bát để nấu phần nước, phần đậu còn lại cho vào máy xay sinh tố xay cho nhuyễn mịn.
+ Đổ đậu xanh ra chảo chống dính và thêm đường, bật bếp xào cho nhân đậu xanh tan đều với đường, dẻo mịn, và khô ráo để có thể vo viên được là tắt bếp. (có thể cho thêm 1 ít bột dẻo hoặc bột nếp)
+ Cho thêm chút dầu hoa bưởi và đảo đều rồi để cho nhân đậu xanh nguội bớt. Chia đều nhân đậu xanh thành những viên đều nhau sau đó vo viên lại cho tròn, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại để nhân không bị khô.
- Bước 2: Làm vỏ bánh trôi
Cho bột nếp vào bát to sau đó thêm từ từ một ít nước ấm vào trộn đều, khi thấy bột vừa đủ độ ẩm thì dừng lại, nhồi bột cho tới khi bột thành một khối mịn dẻo là được.
- Bước 3: Tạo hình bánh:
+ Chia phần bột bánh thành nhiều phần nhỏ bằng nhau, rồi vo tròn. Sau đó lại ấn dẹt miếng bột, cho nhân đậu xanh vào giữa và vê lại cho kín sau đó lăn cho viên bánh trôi tròn đều.
+ Tiếp theo ấn dẹt chiếc bánh một chút. Cứ như vậy làm cho hết chỗ bột và nhân bánh trôi.
- Bước 4: Luộc bánh
Đổ nước vào một nồi đun cho nước sôi sau đó thả bánh trôi vào luộc, khi thấy bánh chín nổi lên thì luộc thêm 1 – 2 phút nữa mới tắt bếp, vớt bánh ra thả vào một bát nước lạnh khoảng 5 phút để cho bánh nguội và không bị dính nhau.
- Bước 5: Nấu nước chè bánh trôi
+ Tận dụng nồi nước luộc bánh trôi để nấu chè, thêm đường cho đủ ngọt và phù hợp khẩu vị, thêm vài lá dứa cho thơm rồi nấu cho sôi nước lên.
+ Cho bột năng vào bát nước lạnh khuấy đều cho tan hết, sau đó chế từ từ vào nồi chè, vừa chế vừa khuấy để chè không bị vón cục.
+ Khi thấy nồi chè có độ sánh đặc thì dừng lại, nấu cho chè sôi lên mới cho phần đậu xanh nguyên hạt đã để lại khi nãy vào, khuấy đều là tắt bếp.
+ Cho thêm chút tinh dầu hoa bưởi cho thơm sau đó khuấy thêm lần nữa là xong phần chè.
- Bước 6: Vớt bánh trôi bày ra bát nhỏ sau đó múc phần chè vừa nấu vào cùng, rắc thêm vừng trắng rang chín và vài sợi dừa nạo lên trên, để cho nguội là có thể thưởng thức, vậy là món bánh trôi theo kiểu miền Nam đã hoàn thành.
Cách làm bánh trôi màu sắc
Nguyên liệu làm bánh trôi màu sắc
- Bột nếp: 300 gr
- Bột năng: 45 gr
- Hoa đậu biếc khô: 5 gr
- Thịt gấc: 50 gr
- Rượu trắng: 100 ml
- Đường thốt nốt: 150 gr
- Đậu xanh không vỏ: 200 gr (đã hấp chín)
- Dừa nạo sợi
- Đường trắng: 20 gr
- Bột sắn dây: 10 gr
Quá trình thực hiện
- Bước 1: Sơ chế phần màu sắc
Ngâm hoa đậu biếc khô trong 100ml nước nóng trong khoảng thời gian 5 – 10 phút.
Cho thịt gấc vào bát nhỏ, ngâm trong 100ml rượu trắng trong 5 – 10 phút.
- Bước 2: Trộn 100gr bột nếp cùng với 15gr bột năng vào tô, sau đó cho 100ml nước vào cùng.
Trộn 100gr bột nếp và 15gr bột năng, lấy 100ml nước hoa đậu biếc khô đã ngâm vào bát.
Cuối cùng trộn 100gr bột nếp và 15gr bột năng và 100ml nước cốt gấc vào bát
Có tổng 3 bát bột riêng biệt.
- Bước 3: Sau khi trộn bột thì dùng tay nhào bột cho tới khi khối bột mịn đều, 2 khối bột chuyển thành màu xanh biếc và đỏ gấc.
Cuối cùng có được 3 loại bột màu khác nhau, bọc từng khối bột rồi bột nghỉ khoảng 10 phút.
- Bước 4: Sên nhân đậu xanh: đặt chảo lên bếp để lửa vừa, cho 100gr đường thốt nốt đã nghiền nhuyễn, thêm dừa vạo và đậu xanh đã hấp chín xay nhuyễn vào chảo.
Đảo đều tay hỗn hợp trên với lửa nhỏ cho đến khi bột dần tạo thành 1 khối dẻo mịn thì tắt bếp, chờ cho nhân đậu xanh nguội bớt.
- Bước 5: Chia khối bột đậu xanh ra thành các phần nhỏ đều nhau và viên thành các viên tròn đều nhau.
Dùng dao cắt đường thốt nốt còn lại thành các hình vuông nhỏ.
Lấy 1 lượng nhỏ bột vo tròn rồi làm dẹp để nhét viên đường vào. Tương tự, lấy 1 lượng bột nhiều hơn, nắn tròn tương tự để nhét nhân viên đậu xanh vào.
Tiếp tục thao tác cho đến khi hết số bột vào nhân, cuối cùng sẽ có được các viên chè với ba màu sắc khác nhau.
Đặt nồi lên bếp bật lửa vừa, cho nước, ít lá dứa vào đun sôi để tiến hành luộc bánh trôi, cho từng màu vào ba nồi để luộc riêng, khi chín thì vớt ra cho vào bát nước lạnh để bánh trôi không bị dính nhau
- Bước 6: Lấy bột sắn dây ngâm với ít nước lạnh, đặt nồi lên bếp bật lửa vừa, cho nước, đường và bột sắn dây vừa ngâm vào nồi, và đun đến lúc sôi.
Sau khi nước đường đã sôi thì cho vào một ít đậu xanh đã hấp chín vào nấu chung, tiếp tục khuấy đều tay thêm tầm 2 – 3 phút thì tắt bếp.
- Bước 7: Cuối cùng xếp các viên bánh trôi ra bát, cho nước đường đậu xanh vừa đun xong vào, rắc lên trên 1 ít dừa nạo hoặc không cho nước đường vào thì có thể rắc lên 1 ít vừng và dừa nạo lên trên cho thêm đẹp mắt và thơm lừng.
Cách làm bánh trôi nhân mặn
Ngoài bánh trôi nhân ngọt truyền thống, thì bánh trôi nhân mặn cũng được nhiều người yêu thích.
Nguyên liệu làm bánh trôi nhân mặn
- Bột nếp: 500gr
- Thịt heo băm: 100gr
- Tôm băm nhỏ: 100gr
- Gừng: 1 củ thái nhỏ
- Đậu xanh: 200gr
- Dừa bào sợi
- Vừng rang chín, hành tím băm
- Muối, đường, bột ngọt, hạt nêm…
Quá trình thực hiện:
- Cho thịt heo băm và tôm vào bát, thêm ½ thìa cafe muối, ½ thìa cafe hạt nêm, ½ thìa cafe đường, một ít hành tím băm rồi đảo đều để ướp khoảng 10 phút cho ngấm gia vị.
- Đậu xanh ngâm 2 tiếng cho mềm, vo sạch rồi hấp chín. Sau đó cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Phi thơm hành tím băm rồi cho đậu xanh vào sên, thêm một ít muối và đường vào cho đậu xanh đậm vị.
- Đậu xanh chia thành từng viên nhỏ rồi vo tròn. Thịt và tôm chia thành từng viên nhỏ hơn phần nhân đậu xanh. Dùng tay ấn dẹt phần đậu xanh rồi cho tôm thịt vào giữa, vo tròn lại để riêng.
- Bột nếp nhào với nước ấm lượng vừa đủ để thành một khối dẻo mịn. Để bột nghỉ khoảng 10 phút. Sau đó chia bột thành từng khối nhỏ đều nhau rồi vo tròn.
- Dùng tay ấn dẹt phần bột bánh, đặt nhân đậu xanh tôm thịt vào giữa rồi vo tròn lại, để riêng. Tiếp tục làm cho đến khi hết nhân bánh. Lưu ý các khối bánh nặn xong không xếp chồng lên nhau.
- Đun 1 nồi nước sôi thì thả từ từ từng viên bánh trôi vào luộc. Luộc cho đến khi bánh nổi lên trên mặt và màu vỏng bánh trong là bánh đã chín, vớt bánh ra cho vào bát nước lạnh để không bị dính.
- Có thể sử dụng nước luộc bánh (khoảng 2 lít nước) rồi thêm đường (độ ngọt tùy vào khẩu vị) vào nấu cho đường tan hết, nồi nước sôi lên thì thả bánh trôi đã luộc chín vào, đảo nhẹ cho bánh không dính vào nhau. Thả một ít gừng thái sợi vào và đợi nước sôi trở lại thì tắt bếp
- Như vậy món bánh trôi nhân mặn đã hoàn thành rồi. Để thưởng thức bạn múc chè trôi nước nhân mặn ra từng bát, thêm dừa bào sợi, vừng đen rang chín lên là có thể bắt đầu cảm nhận hương vị chè phần nước chè không quá ngọt, nhân bánh trôi vừa mặn mặn lại ngọt nhẹ, bánh trôi nước thơm ngon, dẻo quánh hấp dẫn.
Lưu ý trong quá trình làm bánh trôi
- Đậu xanh nên chọn lại hạt nhỏ để nhân bánh thơm bùi ngậy hơn
- Khi nhào bột thì đổ từ từ nước và nhào để bột không bị nhão
- Vo bột bọc ngoài nhân bánh thật kín, tránh khí lọt vào vì khi bọc không khít thì lúc luộc, bánh sẽ bị vỡ.
Lưu ý bảo quản bánh trôi
- Để đảm bảo độ ngon, dẻo của bánh trôi cũng như đảm bảo cho sức khỏe thì tốt nhất không nên để bánh trôi qua đêm. Khi làm bánh trôi, nên làm với lượng vừa phải, đủ ăn.
- Nếu nhào bột quá nhiều thì có thể bảo quản bột bánh (chưa nặn nhân) vào ngăn mát tủ lạnh qua đêm hoặc ngăn đá vài ngày và thực hiện nấu bánh trôi vào ngày sau đó. Tuy nhiên, trước khi nặn bột bánh, bạn nên cho thêm chút nước để bột không bị khô nhé.
Hà Nội đang bước vào những ngày đông lành lạnh, thì món bánh trôi nước sẽ là một trong những món ăn vặt được cả gia đình lựa chọn. Một bát bánh trôi nước cũng đủ đề sưởi ấm tấm lòng của bất cứ ai dưới cái rét căm căm của từng đợt gió Đông Bắc. Món bánh trôi nước cũng sẽ là một lựa chọn cuối tuần cho các gia đình đặc biệt là thời kỳ dịch bệnh này.
Trên đây là một số cách làm bánh trôi thơm ngon, mềm dẻo để cúng tổ tiên hay đãi cả nhà không chỉ dịp Tết hàn thực mà bất kỳ lúc nào muốn vì các nguyên liệu đơn giản cùng cách thực hiện dễ dàng phải không nào. Chúc các bạn thành công!