Tiêu Chuẩn CE Là Gì? Phân biệt giữa CE Marking của EU và CE của Trung Quốc

CE là chứng nhận bắt buộc đối với hàng thiết bị điện/điện tử lưu thông trong khối liên minh kinh tế Châu Âu. Nó được xem như hộ chiếu kĩ thuật thương mại, giấy thông hành tại các nước thành viên EU. Nếu sản phẩm được sản xuất theo các quy định của châu Âu, các nhà chức trách tin rằng các yêu cầu cơ bản pháp lý về y tế, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng và đối với an toàn được đáp ứng.

Hoàn thành các thủ tục đánh giá sự phù hợp cho phép đính kèm nhãn hiệu CE lên sản phẩm. Chính vì vậy tiêu chuẩn này giúp nâng cao thương hiệu, chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời mở rộng tầm hiểu biết về thiết kế phát triển sản phẩm, nền tảng của công nghệ tiên tiến.

Tiêu Chuẩn CE Là Gì

Định nghĩa về dấu hợp quy CE marking

Dấu CE viết tắt “European Conformity”, là dấu hợp quy bắt buộc theo quy định của liên minh Châu Âu nhằm điểu chỉnh hàng hóa được bán trong khu vực kinh tế Châu Âu kể từ năm 1985. Dấu này thể hiện tuyên bố của nhà sản suất rằng sản phẩm tuân thủ hợp chuẩn hợp quy theo các văn bản pháp luật, chỉ thị của EU.

Và nhấn mạnh rằng, dấu CE không chỉ áp dụng các sản phẩm trong khối liên minh EU mà còn đối với sản phẩm được sản xuất hoặc thiết kế để bán tại EU. Điều này làm cho dấu CE được công nhận trên toàn thế giới. Tiêu chuẩn CE phù hợp với quy tắc và kỹ thuật ở các nước công nghiệp tiên tiến và các nước khác trong khối.

Sản phẩm mang dấu CE nghĩa là đã được đánh giá, kiểm định trước khi đưa ra thị trường, đáp ứng các yêu cầu của các nước thành viên EU về an toàn sức khỏe và môi trường. Nó không phải tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm hoặc chứng nhận xuất xứ mà là tiêu chuẩn đảm bảo sự an toàn của sản phẩm với tổng quan xung quanh theo yêu cầu của các nước thành viên EU.

Người tiêu dùng hiện nay đã có nhận thức cao về “sự an toàn” của thiết bị đối với cơ thể người và môi trường xung quanh. Thực tế các chỉ thị này giảm thiểu tác động của sản phẩm trực tiếp lên cơ thể người- cái có tác động lâu dài và từ từ và khó nhận biết đối với sức khỏe. Một sản phẩm tốt là một sản phẩm trước tiên phải “an toàn” đối với tổng thể xung quanh nó.

Các chỉ thị cơ bản liên quan đến dấu hợp quy CE marking

Các chỉ thị cơ bản liên quan đến dấu hợp quy CE marking

Chỉ thị 2011/65/EU về hạn chế sử dụng một số chất nguy hại trong thiết bị điện/điện tử (RoHS2)

Chỉ thị này đề ra các quy tắc hạn chế sử dụng các chất nguy hại trong thiết bị điện/điện tử nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, bao gồm khắc phục hiệu quả về môi trường và xử lý rác thải từ EEE.

RoHS2 hạn chế sử dụng sáu vật liệu nguy hại trong các sản phẩm điện và điện tử. Tất cả các sản phẩm áp dụng đều phải tuân thủ theo RoHS. RoHS điều chỉnh toàn bộ ngành điện tử và nhiều sản phẩm điện khác. Bất kỳ sản phẩm hay bộ phận nào đưa vào thị trường châu Âu đều phải đáp ứng các quy định của RoHS.

Các sản phẩm điện/điện tử mới không được chứa các chất nguy hại vượt quá hàm lượng cho phép sau:
1. 0.1% trọng lượng đối với chì
2. 0.1% trọng lượng đối với thủy ngân
3. 0.1% trọng lượng đối với hexavalent chromium
4. 0.1% trọng lượng đối với polybrominated biphenyls
5. 0.1% trọng lượng đối với polybrominated diphenyl ethers 6. 0.01% trọng lượng đối với cadmium

Chỉ thị 2009/125/EC đề ra khuôn khổ để xây dựng các yêu cầu về sản phẩm có liên quan đến năng lượng (Chỉ thị Thiết kế sinh thái)

Chỉ thị này quy định về việc đề ra các yêu cầu mà sản phẩm liên quan đến năng lượng nằm trong phạm vi các biện pháp triển khai phải tuân thủ để được đưa ra thị trường và/hoặc đưa vào dịch vụ.

Chỉ thị 2014/35/EU (Chỉ thị Điện áp thấp 2) về hài hòa hóa luật pháp của các nước thành viên liên quan đến thiết bị điện được thiết kế để sử dụng trong các giới hạn điện thế nhất định

Chỉ thị Điện áp thấp có hiệu lực thi hành từ ngày 20.4.2016 (thay thế Chỉ thị Điện áp thấp 1 2006/95/EC) điều chỉnh các sản phẩm thiết bị điện được thiết kế để sử dụng trong các giới hạn điện thế mới của EU khi đưa ra thị trường: cả các thiết bị điện mới được sản xuất bởi doanh nghiệp thành lập tại EU và thiết bị điện, cả mới và đã qua sử dụng, nhập khẩu từ nước thứ ba.

Mục đích của Chỉ thị này là đảm bảo các sản phẩm thiết bị điện trên thị trường đều đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ ở mức độ cao sức khỏe và an toàn cho người, vật nuôi trong nhà và tài sản.

Chỉ thị 2012/19/EU về rác thải từ thiết bị điện/điện tử

Chỉ thị này đề ra các biện pháp bảo vệ môi trường và sức khỏe con người bằng cách ngăn chặn và giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc gây và quản lý rác thải từ thiết bị điện/điện tử cũng như giảm thiểu những tác động tổng thể của việc sử dụng các nguồn lực và cải thiện hiệu suất sử dụng chúng. Chỉ thị khuyến khích hợp tác giữa nhà sản xuất và tái chế nhằm thúc đẩy thiết kế và sản xuất thiết bị điện/điện tử, đặc biệt nhằm khuyến khích tái sử dụng, tiêu hủy hoặc khôi phục rác thải từ EEE cũng như các vật liệu và bộ phận của chúng.

Sự khác biệt của dấu hợp quy CE của Châu Âu và CE của Trung Quốc

Sự khác biệt của dấu hợp quy CE của Châu Âu và CE của Trung Quốc
Bên trái là dấu CE marking của EU và bên phải là dấu CE của Trung Quốc.

CE của Trung Quốc viết tắt của “China Export” có hình dáng tương tự dấu hợp quy CE Châu Âu và được các nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng tùy ý. Vì vậy dẫn đến tình trạng, ngươi tiêu dùng thiếu kiến thức hoặc không để ý kĩ sẽ nhầm lẫn dấu CE Trung Quốc với dấu hợp quy Châu Âu.

Rõ ràng là logo của cả hai thương hiệu trên thực tế giống hệt nhau về kiểu chữ, thành phần và màu sắc (màu đen), thoạt nhìn rất khó để phân biệt cái này với cái kia.

Nhưng bất chấp sự giống nhau của chúng, bạn vẫn có thể phân biệt được dấu CE của EU và CE của Trung Quốc khác nhau đó chính là vị trí, hay chính xác hơn là khoảng cách giữa các chữ cái C và E cho chúng ta manh mối về việc phân biệt hai dấu CE  mà chúng ta đang xem xét. Trên nhãn của Châu Âu, chu vi bên trong của chữ C được tách biệt rõ ràng so với chu vi của E. Ngược lại, trên nhãn China Export, các vòng cung tạo bởi các chữ cái thực tế chồng lên nhau vì chúng rất gần nhau.

Mặc dù không có phép đo nào được thiết lập cho kích thước của dấu CE của Châu Âu, nhưng các quy định nêu rõ rằng biểu trưng này phải có chiều cao tối thiểu là 5mm và giữ một tỷ lệ đã định.

CE của Trung Quốc có nghĩa là được sản xuất tại Trung Quốc và họ xuất khẩu nó. Không có một tổ chức, đơn vị nào đứng ra kiểm nghiệm và đánh giá sản phẩm một cách khách quan, bất kể các sản phẩm nào dù có chính hãng hay là kém chất lượng, nhái mẫu mã đều có thể tự nhiên dùng loại kí hiệu này dán lên sản phẩm nhầm đánh lừa người tiêu dùng.

Sự khác biệt của dấu hợp quy CE của Châu Âu và CE của Trung Quốc

Đối với dấu hợp quy Châu Âu, các doanh nghiệp nhà sản xuất lớn có phòng thử nghiệm có thể tự công bố sản phẩm phù hợp và dán dấu CE. Điều này là tự khẳng định và tự công bố. Tuy nhiên trong quá trình các cơ quan đánh giá, kiểm tra nếu phát hiện sản phẩm không phù hợp sẽ công bố và cấm lưu thông vĩnh viễn tại thị trường EU, nhà sản xuất tự chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đến sự hỗ trợ của các tổ chức có chứng nhận đánh giá TUV, SGS,…Các tổ chức đánh giá này sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự không phù hợp của sản phẩm nếu không đủ tiêu chuẩn vẫn lưu thông tại EU.

Khi sản phẩm đã được đóng dấu CE marking của EU có nghĩa là:

  • Nhà sản xuất tuyên bố chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với sản phẩm của họ về mọi mặt pháp lý.
  • Dấu CE cũng được xem là “hộ chiếu kĩ thuật thương mại” để sản phẩm có thể bước chân vào thị trường EU.
  • Chứng nhận cho sự an toàn và chất lượng của sản phẩm đối với người tiêu dùng hay còn gọi là “Biểu tượng của chất lượng sản phẩm”.

Trên thực tế các sản phẩm thiết bị hay bất kì các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam hay các nước khác thâm nhập vào thị trường Châu Âu đều trải quá trình kiểm tra, đánh giá phức tạp và kĩ lưỡng. Sản phẩm phải đạt đến đến mức phù hợp mới được tiêu thụ tại thị trường khó tính này.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các phân xưởng sản xuất lớn chuyển dịch về các quốc gia có tiềm lực nhân lực lớn như khu vực Châu Á. Nhằm tối ưu hóa chi phí, các hãng lớn xừng xỏ tại Châu Âu chuyển giao dây chuyền và kiến thức sang các nước có lợi thế sản xuất hơn, điển hình như Trung Quốc.

Tuy nhiên, các sản phẩm này khi muốn quay lại thị trường Châu Âu tiêu thụ cũng trải qua những bài thử nghiệm kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng và tính an toàn. Đồng nghĩa với việc, sản phẩm nếu đáp ứng hết các yêu cầu tiêu chuẩn của liên minh Châu Âu được đánh giá là sản phẩm an toàn và chất lượng hàng đầu.

Nhiều người tiêu dùng ưu chuộng thiết bị gia dụng Châu Âu nhưng nhận thấy sẽ ít chức năng hơn hầu hết các mẫu mã tương tự ở thị trường Châu Á. Điều này một phần có thể dựa vào văn hóa để giải thích. Người Đức nói chung hoặc Châu Âu nói riêng sống thực dụng, họ thường đánh giá cao về năng suất hoạt động, thẩm mĩ và tối ưu. Vì vậy sản phẩm sản xuất ra sẽ đi đúng vào mục đích sử dụng chính yếu nhất với thiết kế đơn giản, tinh tế.

Bên cạnh đó một lí do khác nữa là sản phẩm muốn vào được thị trường Châu Âu cần đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn CE marking của EU chính vì vậy nhiều khi chỉ cần tăng công suất sản phẩm lên một chút, thêm một vài chức năng trên sản phẩm thì sản phẩm đã không đạt yêu cầu về chuẩn CE và điều đó đồng nghĩa với việc sản phẩm không lấy được giấy phép chuẩn CE thì không thể nhập vào châu Âu được. Chính vì vậy đối với những sản phẩm mà đạt chuẩn CE và được lưu hành vào thị trường Châu Âu nói chung cũng như thị trường Đức nói riêng luôn luôn mang lại cho người dùng sự đảm bảo, yên tâm kể cả từ khâu nguyên vật liệu cũng như quá trình sản xuất.

Ngoài ra đối với sản phẩm xuất khẩu trực tiếp từ Đức đến các thị trường Châu Á, mà không thực tế sản xuất chuyên biệt dành cho thị trưởng Châu Á, sẽ không tránh khỏi việc không đáp ứng được thị hiếu Châu Á mong muốn “đa chức năng”. Vì vậy một bên sẽ tập trung vào cái lõi và đảm bảo chất lượng, độ an toàn cao và một bên sẽ tập trung vào nhiều chức năng vận hành thỏa mãn thị hiếu.

Nhìn chung tại thị trường khó tính như Đức, trước khi được phép tiêu thụ sản phẩm phải trải qua quá trình thử nghiệm đánh giá nên cần xem xét tổng quan giữa an toàn và thiết kế nhiều chức năng, chi phí trên một sản phẩm, thiết bị. Và bạn biết đấy Đức luôn được biết đến với thương hiệu là “nước đứng đầu về đồ gia dụng trên thế giới”.

5/5 - (1 bình chọn)