Tổng Hợp 5 Cách Làm Mứt Tết

Mứt Tết là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trên đĩa bánh kẹo ngọt ở mỗi gia đình cho ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Chị em nội trợ thường thích tự làm mứt Tết tại nhà và gia đình cùng thưởng thức để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thay vì mua mứt ở bên ngoài. Và nếu chị em đang đau đầu chưa biết làm như thế nào, thì hãy tham khảo bài viết dưới đây, mình sẽ chia sẻ tổng hợp 5 cách làm mứt Tết đơn giản dễ làm.

Cách làm mứt dừa

Mứt dừa chính là loại mứt Tết chiều được lòng mọi thành viên trong gia đình. Mứt dừa thường được làm từ dừa non nạo thành những sợi dài, mỏng. Mứt dừa vừa có vị thơm, bùi bùi vừa dẻo lại cũng có độ sần sật.

Nguyên liệu làm mứt dừa

  • Cùi dừa non (cơm dừa): 500 gr
  • Đường trắng: 200 gr
  • Sữa đặc: 2 muỗng canh

nguyên liệu làm mứt dừa

Quá trình làm mứt dừa

Bước 1: Sơ chế dừa

  • Trước hết, bạn gọt bỏ đi lớp màng cứng bên ngoài quả dừa chỉ để lại phần cùi dừa trắng nõn rồi đem rửa sạch với nước.
  • Tiếp theo, thái phần cùi dừa trên thành những lát mỏng độ dày khoảng 0,5 cm là vừa đủ để không bị quá mỏng như dừa bánh tẻ và cũng không bị quá dày dẫn đến khó chế biến.
  • Dừa thái xong tiếp tục rửa lại với nước từ 5 -6 lần rồi để ráo nước
  • Chuẩn bị một nồi nước, cho vào khoảng 2 lít rồi đun sôi sau đó cho phần cơm dừa đã thái sợi vào rồi tắt bếp, để ngâm trong khoảng 10 phút.
  • Sau 10 phút, vớt cơm dừa ra và rửa sạch với nước thêm 2 lần nữa, rồi để ráo nước

Bước 2: Ướp cơm dừa

  • Cho phần cơm dừa vào một cái chảo, thêm đường trắng vào trộn đều rồi ướp khoảng 15 phút để đường tan hết.
  • Sau đó, bắc chảo lên bếp để đun mứt dừa ở mức lửa nhỏ nhất cho đường tan hết và ngấm kĩ vào phần cơm dừa.
  • Khi nước đường bắt đầu sôi lên thì tắt bếp và đổ dừa ra một cái tô lớn và ngâm trong khoảng thời gian ít nhất là 4 – 5 tiếng.

Bước 3: Sên mứt dừa

  • Cho hỗn hợp dừa vào 1 chảo lớn trên bếp, để lửa lớn cho phần nước sôi lên. Khi nước sôi thì vặn lửa xuống mức bình thường và chờ cho nước đường cạn dần (vì nước đường còn nhiều, nên không cần phải đảo hay khuấy phần cơm dừa)
  • Thêm phần sữa đặc vào và đảo đều tay.
  • Khi phần mứt dừa đã cạn thì bạn sên mứt dừa bằng cách đảo nhẹ đều tay lửa nhỏ nhất (vì lúc này đường rất dễ cháy) Cứ thế sên nhỏ lửa đến khi đường kết tinh thành những hạt trắng sạn sạn bao đều quanh miếng dừa.
  • Tắt bếp và tiếp tục đảo thêm 5-10 phút nữa là được. Sau đó bỏ ra và để nguội
  • Với cách làm trên, bạn có thể bảo quản mứt dừa trong khoảng 2 – 3 tuần, mà không bị chảy nước

mứt dừa

Một số chú ý trong cách làm mứt dừa

  • Để làm mứt dừa sợi ngon thì nên chọn loại dừa non. Cách nhận biết quả dừa non là khi đã đẽo lớp vỏ cứng của quả dừa bạn sẽ thấy một lớp vỏ màu nâu nhạt (nếu màu nâu đậm là dừa già nhé), bạn có thể bấm móng tay vào. Phần cơm dừa khi thái cần rửa sạch nhiều lần với nước lạnh để dừa trong và bắt mắt hơn.
  • Ngoài mứt dừa truyền thống, chúng ta còn có thể cho thêm các nguyên liệu khác để tạo nhiều màu sắc bắt mắt như màu xanh lá dứa, trà xanh; màu nâu bột ca cao; màu đỏ bột củ dền đỏ…

Cách làm mứt bí

Nhắc đến các loại mứt tết, không thể không nhắc đến mứt bí. Đây là một trong những loại mứt truyền thống trong dịp tết cổ truyền Việt Nam. Mứt bí được làm từ bí đao nên rất thơm, ngoài ra bí đao có tác dụng thanh nhiệt, và làm mát gan. Những ngày tết chúng ta thường nạp rất nhiều đạm và chất béo, dễ gây ngấy thì mứt bí đao rất hữu ích trong việc giúp chúng ta cân bằng lại vị giác và hệ tiêu hoá.

Nguyên liệu làm mứt bí

  • Bí đao: 1kg (chọn quả bí già sẽ có vị thơm ngon hơn)
  • Đường: 800gr
  • Nước vôi trong
  • Nước cốt chanh
  • Vani

nguyên liệu làm mứt bí

Quá trình làm mứt bí

Bước 1: Sơ chế bí đao: gọt bỏ vỏ và phần ruột, chỉ lấy phần cùi để làm mứt, sau đó rửa sạch thái thành hình con chì dài khoảng 6 – 7cm.

Ngâm bí đao với nước gạo qua đêm cho bí được trắng hơn.

Bước 2: Ngâm bí đao với nước vôi trong một ngày (tỉ lệ: 200gr vôi hòa trong 10 lít nước), gạn phần nước trong bên trên để ngâm (nước vôi có tác dụng khử chua và làm miếng bí được cứng khi sên sẽ không bị nát). Sau một ngày thì bỏ bí ra rửa lại nhiều nước cho sạch rồi để ráo nước.

Bước 3: Đun sôi một nồi nước, vắt nửa quả chanh vào rồi đổ bí vào chần khoảng 5 – 10 phút, đem ra rửa qua 1 – 2 lần nước. Nếu có nắng bạn đem bí ra phơi trong 1 nắng to, nếu không có nắng thì cho vào lò vi sóng sấy khoảng 15 – 20 phút, sau bước này thấy bí trắng dần lên.

Bước 4: Sau khi sấy bí xong thì cho bí vào nồi luộc thêm một nước nữa có vắt nửa quả chanh như bước trên, rồi lại vớt, rửa sạch đem phơi hoặc sấy như bước trên để bí trắng hẳn lên, nếu bạn muốn bí trắng hơn thì lặp lại thêm một bước nữa.

Bước 5: Sau đó lấy bí ngâm với đường theo tỉ lệ 1kg bí sẽ là 800gr đường. Ngâm bí với đường trong thời gian 1 ngày 1 đêm, thi thoảng nhớ đảo cho đường ngấm đều, khi bí chuyển sang màu trắng là được.

Bước 6: Sau 1 ngày 1 đêm đem mứt bí ra sên, bật lửa nhỏ từ lúc đầu, khi nước gần cạn đảo đều và nhanh tay hơn (nhưng chú ý không đảo mạnh tay). Lúc này bạn có thể cho thêm nước hoa bưởi hoặc ống vani để mứt bí thơm hơn, thấy bắt đầu nặng tay thì giảm lửa thấp nhất nữa nếu có thể.

Khi đường bắt đầu kết tinh thì sau đó nên tiếp tục để mứt trên bếp ở mức lửa nhỏ nhất và tiếp tục đảo đều thêm 10 – 15 phút nữa cho đến khi mứt khô hẳn. Sau đó đi bao tay vào, sốc mứt ngay trên chảo cho mứt nguội hẳn rồi đem sấy trước quạt vài giờ, cuối cùng cho mứt vào hộp đậy kín và dùng dần.

mứt bí

Cách làm mứt cà rốt

Mứt cà rốt có màu đỏ cam rực rỡ, bày lên khay mứt tết mời khách sẽ rất bắt mắt. Mứt cà rốt thường có độ ngọt vừa phải. Hơn nữa, cà rốt là loại rau củ chứa nhiều vitamin A và khoáng chất – một món mứt rất “healthy” cho mùa tết.

Nguyên liệu làm mứt cà rốt

  • Cà rốt: 1kg
  • Đường trắng: 600gr
  • Vani: 2 ống
  • Phèn chua: 10gr
  • Nước vôi trong

nguyên liệu làm mứt cà rốt

Quá trình làm mứt cà rốt

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Cà rốt đem nạo sạch vỏ, rửa sạch và thái thành sợi dài. Bạn có thể thái cà rốt thành nhiều dạng tròn, vuông khác nhau, hoặc tạo hình hoa, ngôi sao, hình lá, trái tim,… để miếng mứt có hình bắt mắt.

Bước 2: Cho 30gr vôi vào một nồi/ thau nhỏ, cho thêm khoảng 2 lít nước, dùng đũa khuấy đều để hòa tan vôi. Để thau nước vôi qua đêm hoặc đợi khoảng 7 – 8 giờ cho nước vôi lắng xuống. Sau đó, hớt bỏ lớp váng trên mặt nước, lọc lấy phần nước vôi trong.

Ngâm cà rốt với nước vôi trong khoảng 4 – 5 giờ để miếng cà rốt cứng, khi sên đường sẽ không bị nát. Sau đó vớt cà rốt ra, rửa nhiều lần với nước sạch cho hết mùi vôi, để ráo nước.

Bước 3: Đun sôi khoảng 1,5 lít nước với phèn chua. Khi nước sôi, cho cà rốt vào chần sơ 10 phút rồi vớt ra rửa lại nhiều lần với nước lạnh, để ráo nước (để giúp mứt cà rốt giòn, ngon hơn)

Cho cà rốt vào ướp với đường theo tỷ lệ 1kg cà rốt với 600gr đường trắng. Dùng đũa đảo nhẹ tay để cà rốt ngấm đều đường, ướp khoảng  4 – 6 tiếng cho đến khi đường tan hoàn toàn.

Bước 4: Đặt chảo lên bếp, chắt nước đường vào chảo, nấu với lửa lớn cho nước đường sôi. Khi nước đường sôi, trút cà rốt vào, nấu cho cà rốt sôi lại thì hạ lửa vừa, dùng đũa đảo liên tục và đều, nhẹ tay. Khi thấy đường sệt lại hạ nhỏ lửa nhất, cho vani vào, nấu đến khi đường kết tinh lại thành màu trắng bám trên miếng cà rốt thì tắt bếp.

Cho mứt cà rốt ra đĩa hoặc sấy trước quạt để nhanh khô hơn, đợi khô lại bỏ vào túi nilon hoặc hũ thủy tinh nắp kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng dần.

mứt cà rốt

Cách làm mứt hạt sen

Hạt sen có tác dụng chữa mất ngủ và giải nhiệt hữu hiệu, mứt hạt sen có vị ngọt thanh mát lại rất bùi, vậy thì không có lý do để không bổ sung mứt hạt sen vào thực đơn mứt ngày tết cổ truyền phải không nào. Do hạt sen tươi chỉ có theo mùa, nên công thức dưới đây mình sẽ hướng dẫn các bạn làm bằng hạt sen khô, như vậy nguyên liệu sẽ đơn giản hơn là việc tìm kiếm hạt sen tươi.

Nguyên liệu mứt hạt sen

  • Hạt sen khô: 500 gr
  • Đường trắng: 500 gr
  • Vani: 1 ống
  • Muối: ½ thìa café

nguyên liệu làm mứt hạt sen

Quá trình làm mứt hạt sen

Bước 1: Nấu hạt sen khô

  • Rửa sạch hạt sen khô, sau đó cho vào thau ngâm hạt sen khoảng 5 tiếng đồng hồ để hạt sen nở ra.
  • Vớt hạt sen ra rửa lại nhiều lần với nước sạch.
  • Sau đó, cho hạt sen vào một nồi nước (đổ nước ngập hạt sen) và cho thêm muối vào, đậy nắp và bật bếp đun sôi khoảng 20 phút để cho hạt mềm và nhừ ra (chú ý hạt mềm vừa phải, không quá nát)

Bước 2: Khi hạt sen đã chín mềm, vớt ra rồi rửa lại lần nữa với nước sạch, sau đó để ráo nước.

Sau đó cho hạt sen cho vào nồi, đổ đường vào và đảo đều. Ướp hạt sen cùng với đường tầm 6 – 7 tiếng đến khi hạt sen thấm ngấm đường hơn và đường tan hết.

Bước 3: Dùng nồi có đáy dày hoặc chảo chống dính dày, bật bếp đun với lửa nhỏ, đổ hạt sen đã ngấm đường vào cho sôi lên, khuấy đảo nhẹ tay liên tục để hạt sen khô lại.

Sên mứt đến lúc hạt sen khô rồi đổ ra khay lớn để nguội. Đường bám đều quanh hạt sen và khô đều là được. Đợi hạt sen nguội hẳn cho mứt hạt sen vào hộp thủy tinh hoặc túi zip để bảo quản. Có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, để tránh mứt sen bị chảy đường.

mứt hạt sen

Cách làm mứt gừng

Gừng giúp làm ấm cơ thể, giảm cảm giác đầy bụng, khó tiêu nên món mứt gừng sẽ phổ biến ở các tỉnh miền Bắc hơn cả, bởi mứt gừng rất hợp với tiết trời se lạnh vào mùa xuân.

Mứ gừng có thể nhâm nhi với chén trà nóng thì quả là tuyệt vời. Tuy vậy, gừng có thể làm tăng huyết áp, nên những người bị huyết áp cao thì khuyến cáo không nên dùng.

Nguyên liệu làm mứt gừng

  • Gừng tươi: 500 gr
  • Chanh: 1 quả
  • Đường: 300 gr

mứt gừng

Quá trình làm mứt gừng

Bước 1: Gọt sạch vỏ gừng rồi cắt thành những lát mỏng vừa ăn. Sau đó, mang gừng đi rửa sạch nhiều lần với nước.

Bước 2: Bắc nồi lên bếp, cho vào nồi khoảng 3 lít nước rồi cho gừng vào luộc lần 1 trong 10 – 15 phút. Sau đó, vớt gừng ra, rửa sạch lại với nước lạnh rồi để ráo nước.

Tiếp tục bắc nồi lên bếp, cho 3 lít nước, gừng vào nước cốt 1 quả chanh và đun sôi thì tắt bếp, vớt gừng ra để ráo nước.

Bước 3: Cho gừng đã luộc vào một bát lớn, thêm đường vào trộn đều. Sau đó, lấy miếng bọc thực phẩm để bọc kín miệng bát, để vậy trong 4 – 5 tiếng để đường thấm vào gừng và tan hết.

Bắc chảo lên bếp, cho gừng đã ướp vào nấu với lửa lớn cho đến khi nước đường sôi thì bạn chỉnh lửa vừa đến khi gần cạn thì đảo đều cho đến khi gừng khô lại và có độ dính thì tắt bếp. Sau khi tắt bếp, bạn tiếp đục đảo đều nhẹ tay cho đến gừng nguội là hoàn tất.

Mứt gừng trông thật bắt mắt với lớp áo đường màu trắng bên ngoài, có hương vị cay cay, ngọt ngọt. Đây là món ăn thích hợp để chiêu đãi gia đình và khách trong dịp Tết.

mứt gừng

Mứt tết là một nét truyền thống tốt đẹp trong lễ nghi lẫn ẩm thực người Việt Nam không thể thiếu mỗi dịp Tết cổ truyền. Cùng với bánh chưng, dưa hành, những đĩa mứt tết cũng góp phần làm nên hương vị Tết cổ truyền. Hy vọng bài tổng hợp 5 cách làm mứt tết như trên đã cho bạn những gợi ý hữu ích cho mùa Tết năm nay. Chúc các bạn thành công.

 

Đánh giá post